Khi đón nhận những đứa con, bạn đồng thời được trao một thiên chức cao cả nhất trên đời: làm cha mẹ. Ngoài phần bản năng, cội rễ, thiên chức ấy đòi hỏi bạn một sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Bởi nào ai biết, đâu là điểm dừng của những khao khát và kỳ vọng, đâu là giới hạn của “đủ” hay “thiếu” khi tạo nên nhân cách cho một con người. Mỗi ngày, con cái làm các bậc sinh thành ngỡ ngàng và nhận ra thật nhiều điều mới lạ. Vì sao vậy? Vì trẻ sở hữu một cái nhìn không định kiến, không bị đóng khung trong những khuôn mẫu thông thường, cũng như chưa bị thyết phục trong những chân lý phổ quát mà người lớn đa phần đều đã tâm phục khẩu phục. Trẻ nhìn thế giới bằng một lăng kính khác với bạn, và bất cứ điều gì cũng khiến những bản thể đang hình thành ấy hứng thú hay bỡ ngỡ. Trẻ sẽ hỏi bạn vô vàn câu hỏi vì sao thế này, vì sao thếkia. Sẽ có những câu hỏi giản đơn, dễ trả lời nhưng sẽ có những câu hỏi hóc búa và có thể bạn sẽ đối diện với cảm giác bất lực, không biết làm cách nào cho con hiểu…
Bên cạnh những khái niệm trừu tượng như: Tổ quốc, nông thôn và thành thị, tình yêu, tác giả Thụy Anh cũng có một cách lý giải thú vị, đầy màu sắc cho trẻ về cả những việc thật cụ thể, đời thường: Vì sao phải uống sữa? Vì sao phải đi vệ sinh đúng lúc? Bác sỹ là bạn con. Tác giả đã sử dụng thủ pháp “cổ tích hóa”, đem đến cho trẻ cả một thế giới lung linh đầy sắc màu: các chú Lớn-như-thổi trong sữa với bảo bối can-xi, Mất- ngủ với bảo bối cafein, các chú Vui Vẻ trong nước cam, hay vị bác sỹ khám cho bé giống như người thợ sửa xe cần xem xét để biết bé đau ở đâu để còn giúp đỡ... Gập sách lại, trẻ sẽ được mặc sức tưởng tượng, mơ mộng với bao dư âm của thế giới thần kỳ và vui nhộn ấy. Tác giả bộ sách “Bố ơi, vì sao... ? ” đã thực sự thành công khi tìm ra một lối tiếp cận phù hợp và đồng điệu với tâm hồn trẻ thơ.
Những câu trả lời cũng là những câu khuyên dạy cứ thủ thỉ, nhẹ nhàng như dòng suối nhỏ để rồi thấm dần, thấm dần vào trí nhớcác em. Dường như tác giả đang chắt lọc, tiết chế cái thế giới rộng lớn này để đưa đến cho con trẻ trong một “độ” và “lượng” phù hợp. Vì thế nên mỗi đoạn luôn tạo ra một dư vị ngọt ngào. Dư vị ấy còn được tạo ra bởi lối dùng ngôn từ mượn cách diễn đạt của trẻ thơ, lối nhấn nhá, vừa kể vừa diễn giải để làm mềm đi những khái niệm vốn khô khan, trừu tượng.
Tác giả
NGUYỄN THỤY ANH Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh, bảo vệ luận án Ts. Giáo dục học tại Hội đồng khoa học trường ĐH Tổng hợp sư phạm Matxcơva năm 2002.
Hiện TS. Nguyễn Thụy Anh là chủ nhiệm Clb Đọc Sách Cùng Con, một mô hình hoạt động xã hội hỗ trợ cho việc hình thành, củng cố và phát triển văn hóa đọc của cộng đồng nói chung, và của trẻ em trong gia đình nói riêng. Đây là một hình thức sinh hoạt cộng đồng phi lợi nhuận, có sự ủng hộ và tham gia của nhiều nhà sư phạm.
TS. Nguyễn Thụy Anh tham gia vào rất nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, tư vấn cho sự phát triển toàn diện về trí tuệ và nhân cách cho trẻ nhỏ ngay từ những năm đầu đời. Gần đây, TS có tham gia cùng nhóm Cánh Buồm biên soạn thành công bộ sách Chào Lớp Một, bộ sách đang được dư luận rất quan tâm.