Thông thường khi đi mua máy tính, người dùng chỉ quan tâm đến các linh kiện quyết định đến tốc độ và hiệu năng của hệ thống như RAM, CPU... mà bỏ qua các linh kiện khác. Việc đầu tư vào những gì mình cảm thấy cần và "qua loa" đối với các thành phần cảm thấy không cần thiết là cách nghĩ sai lầm và sẽ khiến cho bạn hối hận về sau. Sau đây là một vài linh kiện máy tính mà người dùng nên đầu tư khi mua sắm.
Ổ cứng (HDD)
Ổ cứng luôn là một linh kiện quan trọng khi người dùng lựa chọn cấu hình máy tính. Tuy nhiên, đa phần người dùng mới thường chỉ chú ý đến dung lượng của ổ cứng mà quên đi các yếu tố khác. Việc chọn ổ cứng chậm ngoài việc làm chậm quá trình đọc ghi dữ liệu của bạn nó còn làm giảm đáng kể tốc độ làm việc chung của hệ thống (do quá trình truy xuất dữ liệu chậm chạp). Vì vậy, hãy chọn ổ cứng có tốc độ tối thiểu 7200rpm. Nếu cần, hãy giảm dung lượng chứ đừng giảm tốc độ để rồi hối hận.
Người dùng cao cấp có thể muốn nhắm tới việc kết hợp giữa ổ cứng thể rắn SSD và ổ "cơ" truyền thống để có tốc độ cao cùng dung lượng lưu trữ lớn, còn người dùng cấp thấp sẽ bằng lòng với một ổ cứng "cơ" giá rẻ. Các dòng ổ cứng 500GB/1TB đang là lựa chọn tốt hiện nay cho nhiều nhu cầu khác nhau. Chúng thường có tốc độ quay 7.200 vòng/phút và bộ nhớ đệm 16-32-64 MB, giao tiếp chuẩn được sử dụng là SATA-II 3Gbps. Các ổ cứng chuẩn SATA-II đều có thể tương thích "ngược" với các mainboard chỉ hỗ trợ chuẩn SATA-I.
Bộ nguồn (PSU)
Nguồn là một trong những thiết bị cực quan trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và sự ổn đinh của máy. Trong máy tính, PSU (Power Supply Unit) là bộ phận quản lý, phân chia nguồn điện đến các linh kiện khác trong máy. Một bộ cấp nguồn tốt với đủ công suất có thể đáp ứng nhu cầu của máy tính sẽ giúp đảm bảo độ bền cho nó. Nếu bộ cấp nguồn không tốt có thể gây hiện tượng máy bị treo, "tự nhiên" khởi động lại, phần mềm chạy không ổn định hay nặng hơn là gây cháy nổ, hư hỏng các linh kiện bên trong máy tính. Bộ cấp nguồn cũng là thiết bị cung cấp năng lượng cho hệ thống làm mát bên trong thùng máy. Nếu nhiệt độ quá cao, đồng nghĩa với tuổi thọ của máy sẽ giảm. Vì thế trong trường hợp này, bộ nguồn vẫn đóng một vai trò quan trọng... Nếu như CPU được xem như là "bộ não" thì PSU giống như một trái tim, nó cung cấp năng lượng thường trực cho tất cả hoạt động của mọi linh kiện bên trong máy.
Tuy nhiên, điều lạ là người dùng thường coi đây là một linh kiện không quan trọng và cực kỳ tùy tiện khi lựa chọn chúng. Đặc biệt là với những người có kinh phí hạn chế, nguồn thường thành phần được chọn "càng rẻ càng tốt" để giảm giá tiền cho toàn hệ thống.
Các hệ thống máy tính đời mới ngày càng đòi hỏi một nguồn có năng lượng mạnh mẽ, an toàn. Các bộ nguồn "noname" bán kèm theo thùng máy (case) phổ biến hiện nay trên thị trường thường có chất lượng rất thấp. Với các bộ nguồn hàng hiệu có chất lượng tốt như: Thermaltake, Enermax, Antec, CoolerMaster, AcBel, SilverStone... có công suất hiệu dụng thường bằng hoặc lớn hơn công suất định danh cùng chất lượng linh kiện cấu tạo khá ổn định khi dùng lâu dài.
Thùng máy (case)
Cũng giống như nguồn, Case máy là một linh kiện bên ngoài không được nhiều người quan tâm khi lựa chọn máy. Đa phần người dùng chỉ coi đây là "hình thức bề ngoài" đơn thuần của các thiết bị bên trong. Do vậy, để tiết kiệm chi phí, nhiều người thường lựa chọn các mẫu case rẻ tiền nhất, thậm chí chấp nhận "hàng nhái" để giảm thiểu chi phí. Một chiếc case "lởm" ngoài việc làm máy của bạn trông không hợp thẩm mỹ thì nó còn có thể tạo ra những rắc rối lớn hơn nhiều. Hãy tưởng tượng một chiếc case thiết kế không đúng tiêu chuẩn sẽ khiến cho quạt tản nhiệt hoạt động không hiệu quả. Kết quả là các loại linh kiện cứ thế mà nóng lên trong quá trình hoạt động (do không thoát được nhiệt) và tệ nhất là dẫn đến cháy, nổ?
Bạn nên chọn thùng máy chắc chắn và cứng cáp, thiết kế bên trong hợp lý, có nhiều khay gắn ổ đĩa thuận tiện cho việc lắp đặt. Mặt trước nên có cổng USB và ngõ Audio để tiện sử dụng. Mặt sau và bên hông có thể gắn được quạt giải nhiệt, tạo sự thông thoáng bên trong thùng máy. Hiện trên thị trường có bán khá nhiều thùng máy "hàng hiệu" (Antec, Cooler Master, Thermaltake,...) được thiết kế bằng vật liệu tốt, chống nhiễu điện, thoát nhiệt ổn định, có nhiều khay chắc chắn,... Nếu không thích case của nhà sản xuất để chọn riêng case cho chiếc máy của mình.
Chuột và bàn phím
Đây là những linh kiện ít có tác động đến cấu hình của máy, nhưng đôi khi chuột cũng làm người dùng bực mình, dễ “cáu”. Nên chọn chuột quang có dây. Khi mua chuột không dây, cần chọn những con chuột đắt tiền để chạy ổn định và laser với những ưu điểm như: nhẹ, nhạy, dễ điều khiển và ít phải vệ sinh đã chiếm ưu thế hoàn toàn hiện nay. Nên chọn bàn phím loại tốt, phím bấm êm, nhẹ, các phím bấm phù hợp với cỡ tay của mình. Một số bàn phím được bổ sung những phím nóng Net và multimedia, tạo thuận lợi hơn cho người dùng. Một số loại bàn phím và chuột sử dụng công nghệ mới, thiết kế khoa học theo cấu tạo sinh học của con người (ergonomics),... rất đáng thử qua nếu đang tìm kiếm sự tiện nghi khi sử dụng lâu dài.
Màn hình (monitor)
Màn hình là bộ phận ảnh hưởng trực tiếp đến mắt của bạn. Việc chọn một màn hình tốt không những giảm thiểu mệt mỏi cho mắt mà còn tạo thẩm mỹ màu sắc cho người sử dụng. Khi chọn màn hình LCD phải đạt được những tiêu chí: mỏng, gọn nhẹ, hình ảnh sáng, rõ nét, tiết kiệm điện, tỏa nhiệt ít. Nên chọn mua những LCD từ 17 inch trở lên, hỗ trợ các chuẩn kết nối phổ biến hiện nay là: VGA, DVI, HDMI,... Nên chọn linh kien có thương hiệu: Samsung, Viewsonic, HP, Acer,... Tuyệt đối không mua màn hình cũ hoặc là màn hình không rõ tên tuổi hoặc không rõ ràng.
Xem thêm: Rao vặt - Tin tức giải trí