Trên quê hương Việt Nam, có rất nhiều vùng chè ngon nhưng Thái Nguyên vẫn được người xưa tôn vinh là đệ nhất danh trà. Đất trời ban tặng cho Thái Nguyên khí hậu và thổ nhưỡng rất thích hợp với cây chè, để rồi có những vùng chè ngon nổi tiếng đã trở thành thương hiệu như Trại Cài, La Bằng, đặc biệt là vùng chè nổi tiếng Tân Cương. Trà Thái Nguyên hương thơm tự nhiên, vị ngọt chát dịu, có sức lôi cuốn quyến rũ người thưởng trà. Để có trà ngon, phải biết cách chọn trà. Dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân sao chè, những búp chè xanh non được sao thành sản phẩm trà. Trà Thái Nguyên cánh nhỏ, đều, săn chắc, khô giòn, xoăn hình móc câu (người xưa vẫn thường gọi là trà móc câu), có màu xanh đen. Nước trà khi pha có màu vàng xanh sóng sánh, hương thơm đặc trưng mà chỉ có trà Thái Nguyên mới có. Du khách khi đã một lần thưởng trà Thái Nguyên thì khó có thể quên hương thơm và vị ngọt hậu của trà Thái.
Để có một chén trà ngon, ta phải chọn được bộ đồ pha trà phù hợp. Ấm trà phải giữ được nhiệt lâu, kiểu dáng thân thiện, màu sắc hài hòa. Ấm trà của người Việt cũng có vô số kiểu dáng độc đáo, lạ mắt, chất liệu phogn phú như đất nung, sành sứ, đá, đồng, vàng, bạc, ngọc… Kích thước bộ ấm trà cũng cần phù hợp với số lượng người uống. Khi uống một mình – còn gọi là độc ẩm, ta chọn bộ ấm trà nhỏ. Mỗi sáng sớm thức dậy, ngồi một mình bên ấm trà nóng, hít thở bầu không khí trong lành, đón bình minh tạo cho con người cảm giác sảng khoái, sẵn sàng cho công việc một ngày mới. Khi uống hai người – còn gọi là song ẩm, ta dùng bộ ấm trà vừa phải, đủ để cho hai người dùng. Hai người bạn tri kỷ bên ấm trà, vừa bình thơ, ngắm trăng, quả là không có thú vui nào tao nhã hơn. Khi uống nhiều người – còn gọi là quần ẩm, ta dùng ấm trà to.
Văn hóa trà Thái Nguyên, cũng như văn hóa trà Việt, được thể hiện tinh tế ở cách pha trà. Trước tiên, bộ ấm pha trà phải sạch, có thể làm nóng bộ đồ pha trà bằng nước sôi. Lấy lượng trà ngon vừa đủ cho vào ấm rồi châm nước sôi lần đầu sau đó chắt ra ngay. Đây là thao tác tráng trà sau đó châm nước lần hai. Lần này ta đổ đầy nước vào ấm sao cho khi đậy nắp, nước trong ấm trào ra làm sạch nước trà, tiếp đó dội nước lên nắp ấm vừa để làm sạch ấm, vừa làm nóng để giữ nhiệt cho ấm trà. Để trà ngấm vừa đủ độ, ta nên đợi trong khoảng từ 2-3 phút. Khi rót trà, có 2 cách rót sao cho các chén trà có độ đậm dặc đều nhau. Một là xếp các chén thành vòng tròn rồi rót đều từ từ, lần lượt theo hình tròn đến khi gần đấy chén. Hai là rót trà ra một chiếc chén lớn (các cụ xưa gọi là chén tống) rồi mới rót sang các chén nhỏ ta sẽ có các chén trà có độ đậm đà đều nhau.
Mời bạn đến với quê hương Thái Nguyên, ngắm những đồi chè tròn như mâm xôi, thưởng trà Thái đúng theo phong cách và văn hóa của người Việt, bạn sẽ thấy một cảm giác thật tuyệt vời, không bao giờ quên. Trà thái nguyên thơm ngon, ngọt đậm; người thái nguyên cần cù, mến khách.